
Creme de la Mer – kem dưỡng da huyền thoại mà rất nhiều tín đồ thề sống chết trung thành suốt đời, nhưng đồng thời cũng không ít lời phê bình, chê bai đặc biệt bởi cái giá cắt cổ của sản phẩm, Elle VN tôn vinh đây là “mỹ phẩm của đại gia, thần dược của quý bà” (tớ xin phép cười một phát, con đường ngắn nhất để trở thành đại gia bây giờ là rinh một hũ Crème de la Mer các bạn ạ hihi). Trước khi quyết định mua, tớ đã từng ra store thử và thấy bạn í cũng ‘bình thường như cân đường hộp sữa’ vì cảm giác khá dính và rít (hồi đó tớ còn ngơ, chưa biết cách apply đúng). Ở bài trước tớ đã chia sẻ lý do rinh Crème de la Mer về, lúc nhận đc rồi tớ vẫn vô cùng hững hờ, nhìn hộp rồi packging đẹp cũng khá hứng thú nhưng chẳng đến mức là đem ra hít hà hay lôi ra chấm mút luôn ^^, chỉ đến khi đi có việc đến xứ hơi lạnh, tớ pack bạn sample 7ml đc tặng đi theo thì tình yêu của tớ với La Mer bắt đầu. Lúc yêu rồi suốt ngày cứ lẩm bẩm, biết thế yêu sớm hơn thì da đã khác rồi ko. Cuối bài tớ sẽ chia sẻ hai sản phẩm dupe của Crème de la Mer cho các bạn không đủ kinh tế có thể tham khảo thêm. (Đây là một bài review tớ ngâm dấm từ 5 thế kỉ trước, hôm nay khai quật lên viết trả nợ ạ =)))
Giới thiệu
Hãng có tự giới thiệu về Crème de la Mer như một “điều thần kì” xảy đến vào khoảng nửa thế kỷ trước, sau khi nhà vật lý không gian NASA, Tiến sĩ Max Huber bị dính bỏng trong một tai nạn ở phòng thí nghiệm và không thể tìm thấy bất kì loại thuốc hay kiến thức khoa học nào có thể chữa trị vùng da bị bỏng, vì thế ông tự bắt đầu một hành trình cá nhân đi tìm lời giải đáp cho làn da của mình. Sau 12 năm và 6,000 cuộc thử nghiệm, cuối cùng ngài tiến sĩ cũng hoàn thành ‘nghệ thuật của việc lên men sinh học (bio-fermentation)’. Một thứ kem thần kỳ đã được khám phá – có tên gọi Crème de la Mer mà vẫn hay được gọi là thứ “Súp Thần” – Miracle Broth. Đúng như những gì tiến sĩ Huber hi vọng, làn da của ông bỗng trở nên mịn màng hơn một cách đáng-ngờ và đẹp lên thật-kì-diệu sau khi sử dụng.
Cho tới ngày nay, Crème de la Mer vẫn được tạo ra bằng cách lên men tảo bẹ kombu/rong phổ tai (nguyên gốc tiếng Anh: giant sea kelp) được hái bằng tay ở vùng biển ngoài đảo Vancouver, các loại vitamins và khoáng chất, tinh dầu cùng các thành phần tự nhiên khác trong 3-4 tháng. Loại kem dưỡng cao cấp được mệnh danh là súp thần này được biết đến bởi sức mạnh dưỡng ẩm vượt trội khi có thể cải thiện làn da khô nhanh chóng trong vòng chỉ 3 ngày sau khi sử dụng. Súp Thần giúp làn da trông mềm, ẩm hơn, căng tràn sức sống và như được dưỡng sâu từ bên trong, đồng thời chất chống oxy hoá cực mạnh từ chanh giúp bảo vệ da khỏi stress, ô nhiễm và mang lại làn da bóng khoẻ tự nhiên. Làn da của bạn sẽ sáng khoẻ hơn, những khuyết điểm sẽ dần biến mất. Sau quá trình lên men, thành phần của Creme de la Mer có tác dụng hỗ trợ làn da trong việc tái tạo độ ẩm, phục hồi, làm dịu, mịn và đem lại sự rạng rỡ cho làn da của bạn – giúp da của bạn trở về trạng thái khoẻ đẹp nhất (lược dịch từ sephora.com)
Thành phần:
Seaweed (Algae) Extract, Mineral Oil (Paraffinum Liquidum), Petrolatum, Glycerin, Isohexadecane, Citrus Aurantifolia (Lime) Extract, Microcrystalline Wax, Lanolin Alcohol, Sesamum Indicum (Sesame) Seed Oil, Eucalyptus Globulus (Eucalyptus) Leaf Oil, Magnesium Sulfate, Sesamum Indicum (Sesame) Seed, Medicago Sativa (Alfalfa) Seed Powder, Helianthus Annuus (Sunflower) Seedcake, Prunus Amygdalus Dulcis (Sweet Almond) Seed Meal, Sodium Gluconate, Potassium Gluconate, Copper Gluconate, Calcium Gluconate, Magnesium Gluconate, Zinc Gluconate, Paraffin, Tocopheryl Succinate, Niacin, Beta-Carotene, Decyl Oleate, Aluminum Distearate, Octyldodecanol, Citric Acid, Cyanocobalamin, Magnesium Stearate, Panthenol, Limonene, Geraniol, Linalool, Hydroxycitronellal, Citronellol, Benzyl Salicylate, Citral, Methylchloroisothiazolinone, Methylisothiazolinone, Alcohol Denat., Fragrance
Seaweed (Algae) Extract: chiết xuất rong biển là thành phần đầu tiên và có vẻ như đây là thành phần ngôi sao của sản phẩm này, hãng có nói nhờ quá trình lên men sinh học nên có tác dụng vượt trội giúp cung cấp độ ẩm và tái tạo da. Rong biển hay tảo có hơn 20,000 loại, La Mer sử dụng giant sea kelp là một loại tảo macroalgae có màu nâu tên khoa học là Macrocystis Pyrifera. Trong dưỡng da, Macrocystis Pyrifera thường được sử dụng như một chất làm dày, chất dẫn nước (water-binding agent) và chất chống oxy hoá. Nghiên cứu (1,2) chỉ rằng Macrocystis Pyrifera có chứa phlorotanins – một polyphenol có khả năng chống oxy hoá, ngăn ngừa lão hoá da. Trong sách Seaweed in Health and Disease Prevention, ở trang 429 tác giả có nói rằng chiết xuất từ M. Pyrifera được cho rằng giúp kích thích sự tổng hợp hyaluronic acid – một thành phần tự nhiên có sẵn trên da người vốn được sử dụng từ năm 1968 vào điều trị các bệnh nhân bị bỏng. Rong biển vốn rất giàu khoáng chất, các loại vitamins và chất fucoidan chiết xuất từ M. Pyrifera đã được nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng có khả năng làm ngược quá trình lão hoá, trị ung thư. Nghiên cứu trong ống nghiệm này chỉ ra rằng M. Pyrifera sau khi lên men có khả năng ngăn ngừa sự tàn phá da (skin damage) do viêm được viết bởi tác giả hiện đang công tác ở Estee Lauder (công ty mẹ của La Mer).
Mineral Oil (Paraffinum Liquidum) & Petrolatum: sau thành phần “ngôi sao” là 2 chất truyền thống thuộc dạng occlusive (giữ ẩm) trong kem dưỡng cho da khô có nguồn gốc từ dầu mỏ: dầu khoáng. Đây là thành phần có giá nguyên liệu siêu rẻ và có rất nhiều hãng mỹ phẩm cũng như người tiêu dùng phản đối việc sử dụng chất này. Cá nhân tớ không ủng hộ cũng không phản đối, thành phần đầu tiên của Vaseline cũng là Petrolatum. Hãng không công bố % các chất trong công thức, chúng ta chỉ biết rằng thứ tự của thành phần sẽ được sắp xếp từ nhiều → ít. Ví dụ công thức Seaweed Extract >50% + dầu khoáng 5% nó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác so với công thức Seaweed Extract 10%, dầu khoáng 9%. Tóm lại, công thức và thành phần cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố khi đánh giá sản phẩm.
Methylchloroisothiazolinone, Methylisothiazolinone là 2 chất bảo quản đã có những cảnh báo gây kích ứng trên da (nguồn).
Thành phần có hương liệu (fragrance) và cồn.
First Impression
- Giá: giá ở Mỹ $175 (chưa thuế) cho hũ 30ml. Mua hũ to thì tiết kiệm hơn được một chút, nhưng tớ nói thật là 1 hũ 30ml này dùng được khá lâu, chưa kể hồi tớ mua được tặng sample 7ml nữa nên tính ra phải gần 40ml. Ngoài ra nếu thành phần thực sự lên men như hãng nói thì để giữ cho chất lượng sản phẩm “tươi lâu” bạn nên mua hũ nhỏ thì tốt hơn.
- Bao bì: hũ sứ opal rất nặng, lại có hộp giấy rất chắc chắn và đẹp. Nói chung bao bì đúng đẳng cấp cái giá bạn chi ra. Nếu để lên bàn trang điểm rất đẹp nhưng mang đi du lịch, công tác thì thôi nghỉ ngay, hãy mua size mini hoặc chiết sang hũ mini. Có kèm thìa nhỏ để lấy kem mỗi lần sử dụng. Điểm trừ là với packaging kiểu không kín khí như vậy có một sự nghi ngờ nhẹ về “active ingredient” (hoạt chất) của Creme de La Mer được duy trì trong bao lâu, chưa kể tính vệ sinh mỗi lần lấy ra sử dụng.
- Kết cấu: bạn này có kết cấu khá đặc, gần như dạng balm dù không “đông cứng” như balm, dùng thìa hoặc tay lấy rất dễ dàng. Nhưng khi sử dụng, phải dùng tương tự như balm, tức là xoa đều lên trong lòng bàn tay, dùng hơi ấm từ tay khiến kem tan ra thành trong suốt rồi mới áp lên mặt.
- Mùi: mùi bạn này khá nồng và rất đặc trưng, dùng lâu thành nghiện mùi này. Tớ thấy khá thư giãn sau khi apply lên mặt.
- Màu: màu trắng như hình.
- Cách sử dụng: (lưu ý giữ tay sạch sẽ khi apply) Ban đầu tớ sẽ dùng thìa lấy đủ lượng cần dùng chia đều lên 5 đầu ngón tay trái. Sau đó, xoa 5 ngón tay trái vào 5 ngón tay phải khoảng 3-5 lần để kem mềm ra và trở thành trong suốt → áp lên mặt 2 má trước, trán + cằm rồi cuối cùng là vùng mũi, giữa mũi và môi, 2 thái dương. Phần còn thừa sẽ massage vùng cổ.
Đánh giá
Như đã viết ở phần mở bài, tớ không có gì gọi là quá hào hứng với Creme de la Mer, trái lại còn nhìn sản phẩm với con mắt đầy phán xét của một khách hàng khó tính, nghĩ rằng liệu mình có đang bị đi theo trào lưu nhờ vào marketing hype xung quanh sản phẩm này không (đây là 1 trong 5 lỗi sai phổ biến của tớ cũng như các bạn khi dưỡng da). Phần giới thiệu về Creme de la Mer, tớ luôn nghĩ rằng đây một câu chuyện hư cấu được các ‘nghệ nhân marketing’ của Estee Lauder viết ra để bán sản phẩm. Nếu trí tò mò trỗi dậy và bạn muốn thử làm thám tử, hãy thử google thêm về ngài tiến sĩ Max Huber. Ok, nghi ngờ là vậy nhưng tớ bắt đầu sử dụng Creme de la Mer với một cái đầu mở bằng size mini 7ml tặng kèm trước ở nơi trời khá lạnh và khô. Dùng được tầm 10 ngày, chị bạn dẫn tớ đi mua SKII, tiện soi da luôn, và kết quả khá ngạc nhiên là độ ẩm trên da tớ rất tốt, mặc dù da tớ bình thường hay bị khô lại đang ở nơi thời tiết lạnh, hanh khô hơn bình thường. Đây vốn là sản phẩm giữ ẩm (có tính occlusive) cho da (đặc biệt cho da khô) nên tớ không kì vọng vào khả năng cấp ẩm (humectant/emollient) cho da lắm, quả thật khi dùng các loại treatment nặng đô khiến da bong tróc mà chỉ thêm bạn La Mer thôi thì không đủ. Chắc chắn bạn phải dưỡng ẩm, cấp ẩm thật đầy đủ cho da rồi đắp lớp Creme de la Mer cuối cùng để làn da có thể lưu lại tối đa những chất ẩm phía dưới.
Tớ không thể kiểm chứng được tác dụng làm dịu cho da tổn thương (ví dụ da bị viêm, bỏng v.v…) của Creme de la Mer. Trước khi viết bài này tớ chưa từng đọc các nghiên cứu của thành phần ngôi sao chiết xuất rong biển từ M. Pyrifera của Creme de la Mer nên khá ngạc nhiên khi thấy thành phần này có nhiều tác dụng tích cực trên da, ví dụ như khả năng giúp tổng hợp hyaluronic acid. Hãng không hề quảng cáo về khả năng ngăn ngừa lão hoá, chống oxy hoá của sản phẩm dù có nghiên cứu chỉ ra tác dụng này (hơi lạ vì bình thường các hãng hay nói vống lên haha). Nếu apply đúng cách như hãng hướng dẫn, lớp sản phẩm trên da sau khi apply rất nhẹ mặt, không hề có cảm giác nặng, bí bách. Da lập tức hơi bóng nhẹ, ẩm mượt hơn. Mùi hương hơi nồng nhưng dùng một thời gian thấy khá thích, cảm giác như nó biến việc apply Creme de la Mer thành một ritual không-thể-bỏ-qua của thứ tín ngưỡng cùng tên. Nhưng đúng là Creme de la Mer mang lại cho tớ làn da căng bóng, mượt mà và khoẻ mạnh hơn đặc biệt khi sử dụng các loại treatment có chứa hoạt chất gây khô da, tất nhiên với điều kiện tớ có kèm serum cấp ẩm phía trước. Em Cá Vàng cũng khuyên các bạn lăn kim và dùng tretinoin thử Creme de la Mer.
Đã có nhiều bài báo so sánh hũ kem thiếc Nivea với huyền thoại Creme de la Mer. Bạn tin không, ở Nhật, Nivea bán siêu chạy lại luôn top các sản phẩm best seller trên bảng xếp hạng cosme. Kem Nivea nổi tiếng đến mức một anh youtuber người Nhật muốn kiếm fame đã điên rồ thử tắm với 100 hộp kem Nivea. Với tớ, mọi sự so sánh đều khập khiễng, bạn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình là OK rồi, nếu Nivea phù hợp với túi tiền của bạn hơn và bạn đang đi tìm một loại kem giữ ẩm, hãy cứ ngẩng cao đầu lựa chọn Nivea nhé. Để đọc về so sánh giữa Creme de la Mer và Nivea, các bạn đọc bài của HachikoBob nhé ❤ Ngoài Nivea, Weleda Skin Food cũng là một sản phẩm “giữ ẩm” siêu tốt, thành phần lành tính không chứa dầu khoáng. Một chị bác sĩ da liễu có làn da siêu đẹp đã trung thành với Skin Food nhiều năm, vậy cớ gì bạn không thử chứ? (hehe, tớ cũng sẽ sớm làm chuột bạch).
Tóm lại, nếu điều kiện tài chính cho phép, bạn nên thử Creme de la Mer một lần trong đời. Khả năng mua lại sản phẩm này là cao đối với tớ, tất nhiên là sau khi rong chơi tìm kiếm sản phẩm hay ho khác :))
GG,
Chẳng hiểu vì sao mà La Mer lại work trên da mình chị à. Em đã thử nghĩ đến placebo effect…
Cũng có thể là placebo effect e ạ :)) chị em mình có thể làm một cái study, đo đạc tử tế before after, sau 1 tháng sử dụng xem ntn =))) mỗi tội ko có ai sponsor cho study nên thôi, cứ nghĩ là nó có tác dụng đi e nhỉ hihiii ❤
study của mình bị bias vì có đứa mê La Mer là em. À cái lotion dùng rất ổn, em mê cả lotion nữa :”>