
Chào các bạn, hôm nay tớ muốn chia sẻ với các bạn một thông tin có-vẻ-không-liên-quan đến cái góc làm đẹp này của tớ lắm nhưng thực chất nó lại rất liên quan 🙂 Có câu nói nổi tiếng của Audrey Hepburn tớ rất tâm đắc “Những cô nàng hạnh phúc sẽ là những cô gái xinh đẹp nhất”. Quả thật như vậy, để ý bản thân vào những lúc tinh thần vui vẻ, tích cực thì thần thái, cốt cách cũng đẹp và rạng ngời hơn rất nhiều so với những khi bị stressed, áp lực, buồn bực hay tức giận.
Để luôn hạnh phúc, luôn vui vẻ nó khó hơn nhiều so với bạn nghĩ, mua 1 thỏi son mới có thể mang lại cho bạn niềm vui trong 1-2 ngày nhưng hạnh phúc đó sẽ dần phai nhạt đi và bạn sẽ lại muốn mua 1 thỏi son mới khác để thoả mãn bản thân =)) Tớ đã từng trải qua nên rất hiểu ạ. Hoặc khi bạn buồn bực sẽ tìm đến việc mua sắm vô tội vạ như một cách để “bù đắp” để “nuông chiều” bản thân mình =) với những cô nàng phù phiếm như chúng ta, dù có lên kế hoạch chi tiêu hàng trăm lần thì vẫn sẽ ngựa quen đường cũ, không mua son phấn thì chuyển sang quần áo, giày dép, túi xách vân vân mây mây cho đến khi hết tiền =)) Và các bạn biết rồi đấy, khi không có được món đồ mình muốn sở hữu thì cảm thấy khó chịu, bứt rứt :)) suy nghĩ ko ngừng về nó, trở thành nô lệ cho những thứ vật chất đó. Hạnh phúc chấm dứt từ đây =) Và tất nhiên việc này chỉ là ví dụ cho vạn thứ khác trong cuộc đời này, sẽ có nhiều chuyện trong cuộc sống không-bao-giờ-luôn-luôn-như-mong-muốn-của-bạn. Có cả những thứ không thể giải quyết bằng tiền hoặc rất nhiều tiền :)) như việc một người thân bị mất đi, bị mất việc, thi trượt, thất tình, người khác lừa mình hại mình, nói xấu sau lưng mình v.v… Đến một ngày bạn sẽ nhận ra “Cuộc đời là bể khổ”…. Vậy làm sao để luôn hạnh phúc, luôn an lạc, giữ tâm mình bình yên giữa cuộc sống bộn bề, bon chen, lắm nỗi buồn hơn niềm vui này? Nếu bạn đang đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên thì hãy cùng đọc bài dưới của tớ nhé 😉
Tớ biết đến thiền Vipassana qua một người bạn, và may mắn đăng kí thành công cho khoá thiền từ 27/4 đến 8/5 vừa rồi. Dưới đây là thông tin về khoá thiền này cùng nhật kí 10 ngày ở lại trung tâm cùng các lưu ý khác:
Thiền Vipassana là gì?
Vipassana, nghĩa là thấy sự việc đúng như thật, là một trong những pháp môn thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Phương pháp này được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung cho nhân loại, nghĩa là, một Nghệ Thuật Sống.
Phương pháp không tông phái này nhằm để diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của sự hoàn toàn giải thoát. Mục đích của nó là để chữa trị, không chỉ riêng bệnh tật, nhưng cốt yếu là để chữa trị khổ đau của con người.
Vipassana là đường lối tự chuyển hóa bằng tự quan sát. Nó chú trọng đến sự tương quan mật thiết giữa tâm và thân, là điều có thể cảm nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm đến những cảm giác thực thụ trên thân, nó luôn luôn liên hệ và chi phối tâm. Căn cứ vào sự quan sát này, và hành trình tự khám phá đi vào gốc rễ chung của tâm và thân để xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, đưa đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi… Cuộc đời được xác định bằng cách gia tăng ý thức, không ảo tưởng, tự chế và an lạc. (trích từ link này)
Thông tin chung
- Lịch các khoá học trong năm 2016: có thể xem ở link này
- Địa điểm: Hiện giờ ở VN có 3 địa điểm để bạn có thể tham gia các khoá thiền Vipassana, 1 là ở Sóc Sơn, Hà Nội; 2 là ở Tịnh xá Ngọc Thành, Thủ Đức, TP HCM và 3 là ở Trung tâm Ucenlist, Củ Chi. Tớ vừa mới tham gia khoá ở Củ Chi.
- Thời gian: khoá thiền cơ bản cho thiền sinh mới là 10 ngày (thời gian thực mất là 11-12 ngày), các thiền sinh cũ có thể tham gia các khoá 1 hoặc 3 ngày.
- Phí tham gia: hoàn toàn miễn phí, cuối chương trình nếu bạn thấy khoá học mang lại lợi lạc cho bản thân thì có thể góp dana cho các học viên các khoá sau cũng được hưởng lợi ích từ các khoá học miễn phí này 🙂
Một số quy định khi tham gia khoá thiền
- Thiền sinh sống trong phạm vi của trung tâm, không liên lạc với thế giới bên ngoài (Bạn sẽ phải để lại điện thoại sau khi đến trung tâm và ghi danh vào ngày 0).
- Thiền sinh tránh không đọc hoặc viết, tạm ngưng những lễ nghi tôn giáo hoặc các phương pháp thiền khác.
- Hằng ngày thiền sinh tuân theo một thời khóa biểu nghiêm túc gồm 10 giờ ngồi thiền, 1 giờ nghe pháp thoại, xen lẫn với những giờ nghỉ.
- Thiền sinh phải giữ im lặng tuyệt đối và không liên lạc với những người đồng khóa (chỉ trao đổi những điều cần thiết với thiền sư phụ tá và ban quản lý). Bạn được khuyến khích không giao tiếp kể cả bằng mắt, cử chỉ hay dấu hiệu với bất kì thiền sinh khác.
- Thiền sinh phải tuân theo 5 giới của đạo Phật: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng chất kích thích,
Nhật kí khi tham gia khoá thiền của GG
Dưới đây là ghi chép của tớ về quá trình đăng kí, tham gia và sau khi trở về với cuộc sống hàng ngày:
Ghi danh & liên lạc từ ban tổ chức trước khi khoá thiền bắt đầu: trên website có viết rõ nhận ghi danh từ ngày bao nhiêu nên hôm đó đợi website mở ghi danh là tớ vô đăng kí tham gia. Điền thông tin cá nhân và một vài thông tin khác là sau đó ban tổ chức (BTC) có gửi email xác nhận đơn ghi danh đã được chấp thuận. Khoảng 1.5 tháng trước khi khoá thiền bắt đầu họ sẽ gửi lại email nhắc nhở và hỏi xem có chắc chắn tham gia không, nếu muốn huỷ tham gia để dành chỗ cho người khác thì nên báo từ bây giờ để BTC chuẩn bị và liên lạc với các bạn trong danh sách chờ. Khoảng 3 tuần trước khoá thiền, bạn sẽ nhận được một email khác từ BTC để ghi danh qua link đó về việc chắc chắn tham gia. Khoảng vài ngày trước khoá thiền, 1 email hỏi xem bạn có muốn đi chung xe bus của trung tâm lên Củ Chi cùng với các thiền sinh khác không thì phản hồi qua email.
Xe bus lên Củ Chi: sẽ tập trung lúc 12h trưa trước Nhà Hát Quân Đội ở đường Cộng Hoà, quận Tân Bình. Giá cước là 140K/khứ hồi đi và về.
Cơ sở Ucenlist ở Củ Chi: Đây là trung tâm mới được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 9/2015. Cơ sở vật chất của khá tốt và được xây theo mô hình dành riêng cho khoá thiền luôn, với 2 khu nam nữ đối lập nhau nhưng với thiết kế kiến trúc y hệt gồm 1 khu nhà 4 tầng với lầu trệt là khu nhà ăn, lầu 1 & 2 là phòng ngủ cho các thiền sinh và lầu 3 là khu vực giặt giũ phơi phóng. Thiền đường ở giữa 2 khu nhà cho nam nữ. Trong suốt thời gian khoá thiền, nam và nữ hoàn toàn cách ly nhau. Chỉ có lúc ở thiền đường thì 1 bên nam 1 bên nữ ngồi thiền chung.
Trước ngày lên đường: đợt đó tớ cũng bận và nhiều việc nên cũng không nghĩ ngợi gì lắm về khoá thiền này mặc dù lúc đăng kí được cũng khá háo hức và hồi hộp. Nhưng đến khi còn khoảng 3-4 ngày, tớ bắt đầu hơi lo lo không hiểu nó sẽ như thế nào, liệu mình có thể theo hết 10 ngày ngồi thiền liên tục hơn 10 tiếng mỗi ngày không?! Khi còn 1-2 ngày là lên đường tớ mới bắt đầu lên mạng tìm đọc các reviews về khoá thiền này, hầu như đều là khen ngợi về lợi ích khoá thiền mang lại, nhưng cũng viết rất nhiều về các khó khăn để theo kịp với thời gian biểu cũng như những yêu cầu tu tập khắt khe mà khoá thiền đặt ra. Cũng có 1 vài bài review nói về việc có các bạn bỏ dở giữa chừng do không theo nổi. Nhưng tớ đã quyết định mình sẽ tham gia và sẽ ở đến ngày cuối cùng, vì tớ thích bản thân được trải nghiệm những cảm giác khác biệt. Để chuẩn bị cho khoá thiền này thì tớ đã đọc thêm về Phật pháp qua cuốn Đường Xưa Mây Trắng của thầy Thích Nhật Hạnh và cố gắng mỗi ngày dành ra khoảng 10-30p để tự thiền (thất bại thảm hại do không tự giác =))
Ngày 0: Sáng nay tớ lên Snapchat chia sẻ về việc sắp đi thiền rồi vẫn lên văn phòng đi làm đến 11:30 bắt taxi ra điểm tập trung. Lúc đến rất nhiều bạn đã lên xe chờ rồi mặc dù tớ đến cũng sớm trước 12h 5 phút gì đó 🙂 có khá nhiều bạn trẻ cả nam lẫn nữ, có cả mấy bạn nước ngoài. Tuy nhiên vì 2 bạn đến trễ nên cũng phải chờ đợi khá lâu. Đi lên Củ Chi mất khoảng 1 tiếng. Sau khi đến, bạn được BTC cho một tờ form để điền thông tin cá nhân và trả lời 1 số câu hỏi, họ sẽ yêu cầu bạn cam kết không rời khoá thiền trong suốt 10 ngày. BTC cho bạn số giường/số ghế ăn ngồi ở thực đường và số tủ gửi đồ (đều là 1 số hết). Phòng ngủ của tớ ở lầu 1, đi qua lầu trệt là nhà ăn sẽ lên đến nơi. Mỗi phòng có 4 giường đơn cho 4 thiền sinh chia nhau. Có quạt trần, chăn, ga trải giường, màn, gối, vỏ gối sạch sẽ. Nhà tắm ở ngay phía gần cầu thang, có 8 phòng tắm cho cả lầu 1 gồm 10 phòng * 4 giường = 40 người. Nói chung mọi thứ đều sạch sẽ và khá mới nên hoàn toàn yên tâm tu tập 🙂 Tớ nghe một chị đã đi khoá thiền ở Sóc Sơn, Hà Nội về thì nói cơ sở vật chất ở đó tệ hơn.
Phòng tớ gồm một chị ngoài 40 tuổi, một cụ bà đã 79 tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, cụ tự đi tàu từ tận Cam Ranh vô để đi tu tập :), và một bạn nữ khác cũng trạc tuổi tớ. Lúc lên Củ Chi rồi mới thấy những người đi thiền rất đa dạng từ già đến trẻ, bên nữ thì các cô lớn lớn ngoài 50 nhiều hơn, những người trẻ như tớ (tầm 23-30t) chỉ chiếm 20%. Bên nam tớ không chắc lắm nhưng nhìn qua thì có vẻ nam giới tầm 25-35t đi tu thiền nhiều. Trước khi đến bữa ăn chiều cuối cùng (5pm) thì mọi người tranh thủ ngồi nói chuyện với nhau, tớ với chị ở giường đối diện đã kịp chia sẻ với nhau về Phật giáo, thiền và các câu chuyện liên quan =)
5pm có chuông báo mọi người xuống thực đường ăn cháo chay với nấm, rau củ. 7pm tập trung ở sân giữa nghe hướng dẫn về khoá thiền, chủ yếu nhắc lại các quy định cần tuân thủ. Sự im lặng cao quý (noble silence) được bắt đầu từ lúc này – không ai được phép nói chuyện với ai nữa. 7:45pm tập trung trước thiền đường để lấy số chỗ ngồi trên thiền đường. BTC đọc tên từng người một lên lấy số thẻ, rồi sau đó lên thiền đường ngồi luôn. Họ sắp xếp chủ yếu để các thiền sinh cũ ngồi phía trên, gần thiền sư hơn. Tớ ngồi gần cuối lớp, ngay chỗ cửa ra vào. Trong thiền đường này nam và nữ sẽ ngồi chung nhưng chia làm 2 bên, nữ bên phải, nam bên trái. Ngoài cùng bên nữ ngồi có một dãy 5 ghế cho các chư ni đến từ các chùa. Thiền đường khá rộng, chứa được khoảng 150 người, thiền sư (nam) và vợ (cũng là thiền sư phụ trách các thiền sinh nữ) đều là người Ấn Độ ngồi ở một bục xây như một căn phòng lọt vào ở phía trên. Mỗi thiền sinh sẽ được ngồi trên một tấm nệm riêng, phía ngoài cửa có các tấm nệm nhỏ có thể lấy để kê thêm. Bình thường thiền sư sẽ điều chỉnh ánh sáng đèn trong thiền đường, lúc nào thiền sẽ chỉnh xuống tối tối mờ mờ để giúp thiền sinh tập trung. Có rất nhiều cửa sổ nhưng đều được đóng kín, cửa ra vào có rèm để có ai đi ra đi vô thì ánh sáng bên ngoài không làm ảnh hưởng những thiền sinh khác đang thiền. Hôm nay là hôm đầu tiên nên chỉ ngồi thiền đến 9pm, bạn sẽ được hướng dẫn cách thiền anapana. Sau đó lên phòng vệ sinh cá nhân, tắm gội rồi đi ngủ. Chắc có lẽ do mệt nên tớ nhanh chóng đi vào giấc ngủ^^
Ngày 1: 4am có chuông báo dậy, vì là ngày đầu tiên nên có người trong BTC đi nhắc các thiền sinh dậy chuẩn bị vs cá nhân các thứ để lên thiền đường lúc 4:30am. Do đêm qua ngủ sớm nên tớ cũng không thấy buồn ngủ lắm khi phải dậy sớm như thế này. Nhanh chóng đánh răng rửa mặt, apply skincare và bôi kem chống nắng rồi lên thiền đường :)) <tớ vẫn skincare như bình thường nhưng hạn chế lại còn có 3 bước là rửa mặt, serum Timeless vitamin C, và kem chống nắng hihi>
Nói chung thời khoá biểu hàng ngày như thế này:
- 4am: ngủ dậy, vệ sinh cá nhân;
- 4:30am – 6:30am: thiền chung trên thiền đường;
- 6:30am: ăn sáng ở thực đường, nghỉ ngơi đến 8am;
- 8am – 9:30am: thiền chung ở thiền đường;
- 9:30am – 11am: thiền chung hoặc thiền riêng (tại phòng ngủ) tuỳ theo sự hướng dẫn của thiền sư
- 11am – 1pm: ăn trưa và nghỉ ngơi (11:55am: nếu ghi danh để tham gia hỏi thiền sư về các vấn đề liên quan đến việc thiền thì lúc này lên chờ trước thiền đường)
- 1pm – 3:30pm: thiền chung ở thiền đường
- 3:30pm – 5pm: thiền chung hoặc thiền riêng tuỳ theo sự hướng dẫn của thiền sư
- 5pm – 6pm: bữa trà chiều gồm hoa quả, sữa đậu nành cho thiền sinh mới và nước chanh, gừng cho thiền sinh cũ, nghỉ ngơi
- 6pm – 7:30pm: thiền chung
- 7:30pm – 8:30pm: nghe Pháp thoại tại thiền đường
- 8:30pm – 9pm: thiền chung
- 9pm – 9:30pm: vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đi ngủ
- 9:30pm: tắt đèn đi ngủ
Ngày đầu tiên bạn được hướng dẫn lại cách thiền anapana, tức là dành sự chú ý tập trung vào hơi thở ra vào ở mũi. 11:55am tớ lên thiền đường để vào hỏi thiền sư tại sao trong lúc thiền tớ thấy rất buồn ngủ, liệu thế có tốt không. Thiền sư nữ là một phụ nữ trạc 50 tuổi, buộc tóc, bà mặc trang phục truyền thống cách tân của Ấn. Từ khuôn mặt và cách bà nói chuyện có thể cảm nhận thấy sự chân thành, ấm áp và mong ước được giúp mình. Bà nói với tớ cảm giác buồn ngủ là điều bình thường, dù sao hôm nay cũng mới ngày đầu tiên, nhưng tốt nhất nên tập trung và tỉnh táo thì thiền mới tốt được. Ngoài ra tớ than thở về việc đau vai, đau lưng và chân khi thiền, thiền sư cũng nói với tớ là đây là chuyện bình thường :)) đặc biệt với người chưa bao giờ ngồi thiền vài tiếng liên tục như tớ.
Ngày 2: Sáng nay tớ thấy đỡ buồn ngủ hơn trong lúc thiền. Hôm nay thấy hơi hơi muốn về. Theo như bài giảng pháp hôm qua thì ngày 2 và ngày 6 sẽ nhiều người muốn về nhất – và cũng là những ngày bạn sẽ biến đổi mạnh mẽ nhất :)) Vâng, chính tớ. Haha. Thế nên vào giờ thiền 3:30pm – 5pm thiền sư cho lựa chọn 1 ở lại thiền chung 2 là về phòng riêng tự thiền tớ đi về phòng với mong ước đc đi tắm cho đỡ nóng rồi nằm xuống cho đỡ đau lưng :)) Kế hoạch thất bại do có người trong BTC đi kiểm tra và nhắc nhở nên tớ vẫn phải tự ngồi thiền đến 5pm. Lưu ý là BTC cũng muốn mình nghiêm chỉnh tu tập để tự đạt được lợi lạc cho bản thân mình thôi nên tuân thủ theo sẽ tốt hơn. Hôm nay tớ có dấu hiệu thèm nói chuyện, thi thoảng lảm nhảm một mình hay sao ấy =)) 2 ngày rồi không đc hé miệng cùng ai mà (có mỗi ngày 1 tớ đc lên nói chuyện với thiền sư 10p huhu).
Ngày 3: Đêm qua không hiểu sao tớ lăn qua lăn lại mãi mới ngủ được. Vì lí do này nên buổi sáng tớ vật vờ thiền, tuy nhiên đến buổi chiều tớ cảm giác mình tiến bộ hơn, tớ có thể cảm thấy hơi thở lúc thở ra nóng ấm hơn lúc hít vào và thấy được cảm giác hơi thở chạm trên bờ môi trên. Tớ dần cảm nhận được sự vi diệu của thiền khi sự quan sát cảm giác cơ thể giúp tiết chế cảm xúc và ham muốn của bản thân, trí óc tớ đã bớt đi lang thang, nghĩ vẩn vơ về các việc khác khi thiền, thay vào đó chỉ tập trung quan sát hơi thở ra vào và cảm nhận sự vi tế của sự chạm hơi thở trên da. Hình như khi không còn phải giao tiếp con người trở nên lạnh lùng hơn ấy :p vốn là cái đứa nhìn thấy ai cũng cười ko bằng mắt thì bằng miệng tớ thấy không quen (Vì quy định là không được giao tiếp kể cả bằng mắt với thiền sinh khác nên rất nhiều thiền sinh tránh nhìn bạn). Tớ bắt đầu đếm ngược đến ngày được về: còn 7 ngày T_T
Ngày 4: Đêm qua nóng kinh khủng, vì phòng ngủ chỉ có quạt thôi, và bạn sẽ nằm trên một tấm đệm khá nóng nên bạn nào mà không chịu đc nóng nên mang theo quạt riêng (có chỗ cắm điện) hoặc cái gì để tránh nóng nhé (như mấy cái chườm mát ấy chắc được). Vì mất ngủ nên sáng nay tớ ngủ gật một chút trên thiền đường, thân thể thì ngày càng đau do phải ngồi lâu. Hôm nay cũng muốn về nhưng tự thấy không cho phép được bỏ dở giữa chừng. Chiều nay bắt đầu được học thiền Vipassana, ôi thật kinh khủng!!! Ngồi thiền liên tục từ 3pm – 5pm khi ra khỏi phòng thiền tớ cảm giác như ai cũng lảo đảo vì đầu biêng biêng (Mọi khi chỉ thiền 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi là đc nghỉ 5-10p). Nhưng buổi thiền chiều tối nay còn kinh khủng hơn khi bạn phải ngồi thiền 1 tiếng liên tục và không được chuyển động T.T Mục đích của giờ thiền này là để rèn luyện ý chí của bản thân. Cả thiền đường im phăng phắc, ai cũng nghiêm túc và tập trung để tu tập. Tớ cố gắng ngồi đc tầm 40p thì bỏ cuộc vì phần chân ngồi xếp gối đau kinh khủng khiếp, không chịu nổi, tớ đổi tư thế 1 lần rồi ngồi tiếp cho đến hết. Thiền Vipassana chính là quan sát các cảm giác ví dụ như nỗi đau trên cơ thể bạn, làm sao để bạn là một thực thể tách rời khỏi nỗi đau đó nên càng ở trình độ cao thì dù đau đến mấy bạn vẫn bỏ qua được và tiếp tục thiền. Cuối giờ tớ lên hỏi thiền sư thì cô bảo tớ do bản năng của tớ quá mạnh mẽ nên cơ thể đang phản kháng :)) thấy khá chí lí. Từ ngày mai mỗi ngày có 3 tiếng thiền ngồi im với quyết tâm mạnh mẽ (tên tiếng Ấn là gì tớ quên rồi). Sau khi học thiền Vipassana rồi bạn sẽ thấy thiền anapana học ở ngày 1-3 dễ.
Hôm nay bài giảng đạo rất hay, có nói về tâm ý, khẩu ý và thân ý (hành ý). Nghĩa là tâm ý là quan trong nhất, nghiệp chướng đã xuất phát ngay từ tâm ý. Ví dụ bạn có ý muốn giúp người (thiện tâm) đã là tốt rồi, nhưng có ý nghĩ xấu về người khác dù chưa nói gì (khẩu ý) hay làm gì (thân ý) nhưng nghiệp xấu cũng đã vận vào bạn rồi. Vì thế nên làm gì chịu nấy ngay từ kiếp này chứ không phải kiếp sau. Có tâm ý xấu về người khác, tức giận với người khác thì chính bạn là người phải chịu hậu quả ngay đầu tiên. Thiền Vipassana giúp bạn kiểm soát tâm, nhìn mọi vật như nó là nó hơn là nó có vẻ, dường như là, giúp bạn loại bỏ ham muốn, níu kéo, bấu víu (ràng buộc) hay cảm giác phấn khích, giận dữ, ghét bỏ…
Ngày 5: Cứ 1-2 hôm bạn sẽ cùng vài bạn trong nhóm được lên hỏi đáp chung với thiền sư. Hôm nay trong buổi hỏi đáp thiền sư hỏi các bạn cùng nhóm tớ thì mọi người miêu tả rất nhiều cảm giác khác nhau, trong khi tớ thấy mỗi ngứa + đau =)) không hiểu cảm giác này có liên quan gì tới trình độ tu thiền của mình ko :)) Giờ thiền quyết tâm không động đậy hôm nay ai cũng như chuẩn bị lên võ trường ấy, khởi động chân tay rồi chọn tư thế ngồi chuẩn (kiết già), rất nghiêm túc. Hôm nay tớ phải đổi tư thế vài lần, lần sau phải cố gắng hơn mới được. Hôm qua sau khi bắt đầu học thiền Vipassana tớ cực kì khủng hoảng và muốn về, nhưng hôm nay thì thấy okie hơn, dù sao cũng ngày 5 rồi, còn 5 ngày nữa thôi. Fighting!!
Ngày 6: Sáng nay tớ dậy sớm (3:30am) đi tắm cho mát mẻ, sảng khoái đầu óc rồi xuống vườn thơ thẩn ngắm trăng sao tập thể dục nhẹ nhàng cùng các thiền sinh khác. Lâu lắm mới thấy trăng sáng và trời đầy sao đẹp như hôm nay ❤ Một điều thú vị khi ngồi thiền, trí óc của bạn có đi lang thang, bạn suy nghĩ về những vấn đề, khúc mắc trong cuộc sống thì hầu như chúng được giải quyết nhẹ nhàng êm xuôi hết – những giải pháp mà trước đó bạn không hề nghĩ tới. Ngoài ra có những người mà trước kia bạn thấy ghét thì giờ bạn thấy rất nhẹ nhàng, hoàn toàn có thể tha thứ cho họ và tự bản thân thấy hối hận đã ghét họ. Tớ cảm giác như thiền Vipassana đã giải thoát tớ khỏi những thù hận, oán ghét, những cảm xúc tiêu cực, những ham muốn, bất định thay vào đó là những cảm giác an lạc, yên vui và tràn ngập yêu thương. Về sau này khi khoá thiền kết thúc tớ có nói chuyện với một vài bạn khác cùng khoá thì rất nhiều người có cùng nhận định này. Hôm nay giờ giảng có nói về khoảng cách giữa lý trí và tâm vô thức tớ thấy rất rất chuẩn. Ví dụ như lý trí của bạn đã bảo tháng này không đc mua sắm thêm gì nữa, nhưng mà rồi bạn vẫn sẽ lại mua thêm 1 đống thứ vì cái tâm vô thức của mình ham muốn và thèm khát cảm giác thoả mãn bản thân :)) Thiền Vipassana sẽ giúp bạn cắt ngắn khoảng cách giữa tâm vô thức và lí trí và kiểm soát được các ham muốn của bản thân hiệu quả hơn. Các cảm xúc của thân thể có quy luật vô thường – tức là có sinh và diệt nên khi bạn quan sát thấy rằng mình đang ham muốn chẳng hạn, tâm bạn tĩnh hơn và biết rằng ham muốn là không tốt.
Ngày 7: Hết hôm nay thôi là còn 3 ngày. YAY! Ngày 7 là một ngày cực dài với tớ, hầu như không có lúc nào nghỉ ngơi, ăn trưa xong tớ lên hỏi thiền sư về việc thiền Vipassana sẽ giúp con người bình tâm trước các cảm xúc thì liệu có làm cho chúng ta mất hết tham vọng và động lực trong cuộc sống và chỉ lựa chọn những lựa chọn an toàn? Ngoài ra sự bình tâm này liệu có làm cho ta trở nên chậm chạp khi phản ứng, chỉ lặng lẽ quan sát thay vì phải hành động? Thiền sư nữ có giải thích nhưng tớ không hiểu hết và cô bảo tớ đợi rồi thiền sư nam sẽ giảng giải tốt hơn cho tớ. Thiền sư nam hẹn tớ nghe xong bài giảng pháp ngày 8 + 9 rồi ngày 10 quay lại thầy sẽ trả lời tớ nếu vẫn chưa tự tìm đc câu trả lời.
Ngày 8: Hôm nay tớ bắt đầu lo lắng về công việc ngổn ngang sau khi trở về từ khoá thiền, có lẽ vì bị stressed một chút khi nghĩ đến đống công việc, cũng như những người đang đợi tớ về, tớ bắt đầu thấy hơi ức chế và không còn cảm nhận được hết sự vi diệu của Vipassana =)) Tuy nhiên, khi ngồi thiền tớ cảm giác mình đã tiến bộ hơn, cảm nhận được các cảm giác vi tế hơn trên cơ thể và có thể quét thông suốt 20-30 phút mỗi lần mà không suy nghĩ vẩn vơ. Còn 2 ngày nữa là được về. YAY! Trong giờ nghỉ trưa, cụ bà ở chung phòng có nói chuyện với tớ khi tớ đứng ở cửa sổ ngắm ra vườn cây phía sau, cụ bảo là nhìn cháu sướng từ bé cứ sợ không theo được hết khoá mà giờ cũng đi đc đến ngày 8 rồi nhỉ =)) Hihi, tự nhiên nghe cụ nói xong lại thấy vui vui vì mình đã làm một điều tốt cho bản thân mình và đã cố gắng hết sức <về xong chắc tớ mua quà tự tặng bản thân quá :))>
Ngày 9: Sau 2 bài giảng ngày thứ 8 và 9 tớ đã có câu trả lời cho riêng tớ, Vipassana giúp tâm mình bình an và an lạc hơn nên không còn phản ứng thái quá trước các cảm giác/cảm xúc. Ví dụ một người bình thường khi tức giận sẽ la hét, quát tháo, giết người. Một người thiền Vipassna sẽ không như thế vì họ có thể quan sát được sự giận dữ của mình và hiểu rằng mọi cảm xúc có sinh sẽ có diệt (sự tức giận sẽ biến mất sau nửa tiếng chẳng hạn, hạnh phúc cũng thế, mua đc cây son vui đc 1-2 ngày là hết hehe). Họ sẽ dùng sự bình tâm kết hợp với lòng thương, từ bi mà giải quyết nhẹ nhàng vấn đề đó. Vipassana không có nghĩa là thụ động, trái lại nó giúp mình nhìn rõ mọi chuyện để hành động đúng đắn hơn, giúp bạn sống tốt, sống đẹp hơn. Tránh bị nhưng cảm xúc nông cạn và nhất thời trong hiện tại ảnh hưởng đến bản thân và chất lượng cuộc sống. Giúp tâm mình tĩnh, thăng bằng và không bị hoàn cảnh ảnh hưởng hơn. Đúng là từ khi khoá thiền bắt đầu tớ thấy tâm tớ đã tĩnh hơn nên đã thể hiện qua từ cách đi đứng, ăn uống v.v… (sau này chắc là lời nói nữa). Hôm nay là ngày đầu tiên tớ thấy rất thoải mái khi hành thiền Vipassana, cảm thấy thích khi quan sát các cảm giác của cơ thể.
Ngày 10: Vào ngày cuối cùng sau giờ thiền 9:30am, yêu cầu duy trì im lặng cao quý được gỡ bỏ, các thiền sinh được phép nói chuyện với nhau để giúp mình có thể quen dần. Trời ơiiiii! Tớ như cá gặp nước, nói chuyện với mọi người từ 9:30am cho đến ăn trưa, rồi ăn trưa xong thì nói tiếp đến giờ thiền lúc 2:30pm =)) Hôm nay thiền sư dạy về thiền từ tâm – tức là thiền cầu nguyện an lạc, hạnh phúc cho mọi người. BTC có trưng bày các tài liệu về thiền Vipassana ở sân giữa, và có thùng góp dana cho các thiền sinh muốn đóng góp (đc mở tủ đồ để lấy ví tiền). Thiền sư có gọi tớ lên thiền đường lúc trưa để hỏi về việc tớ đã hiểu mấy câu tớ hỏi hôm trc chưa, tớ trả lời là bản thân đã hiểu hơn, rất vui mừng vì đc học khoá thiền này, đồng thời cảm ơn thiền sư đã dành thời gian đến VN để giảng dạy Vipassana cho tớ và các bạn. Buổi tối hôm nay BTC có chiếu phim tài liệu về các tù nhân được học thiền Vipassana bên Ấn Độ. Từ không nói gì đến lúc nói quá nhiều nên đầu óc tớ hơi choáng váng và mệt, xem phim xong bọn tớ còn ngồi buôn ở vườn đến khuya 11pm =) có em khen tớ là sao da chị đẹp thế :)) lần đầu tiên thấy chị em tưởng chị ở Hàn Quốc về! =) thế là sang màn tư vấn chăm sóc da =) Chết cười!
Ngày 11: Buổi thiền cuối cùng trước khi mãn khoá là từ 4:30 đến 6 giờ sáng nay. Ăn sáng xong mọi người chia nhau đi dọn các nơi (theo lịch phân công) từ thiền đường, nhà ăn đến phòng tắm, phòng ngủ, phòng giặt v.v… Dọn dẹp xong thì 8:30am lên xe bus đi về. Khoá thiền kết thúc ai cũng cảm thấy vui vẻ và an lạc ^^ Khoá của tớ khá thành công vì hầu như không ai bỏ cuộc giữa chừng. Khi về lại thành phố rồi tớ thấy hơi xô bồ và ồn ào, cảm giác như mình nhạy cảm với âm thanh hơn. Buổi chiều tớ đi lang thang đi ăn đi chơi với bạn để cho quen lại với cuộc sống hàng ngày, nhưng cảm giác mệt và đầu vẫn hơi biêng biêng – cảm giác này hết sau 1-2 ngày.
Q&A:
Q: Ăn uống ở đó có kham khổ không?
A: Trung tâm sẽ lo 3 bữa 1 ngày cho bạn gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa ăn nhẹ vào 5 giờ chiều. Trước khi đi tớ cũng lo sẽ ăn uống kham khổ và sẽ không no. Nhưng khi đến rồi thì thấy trung tâm nấu ăn rất ngon, đồ thực dưỡng quân bình âm dương, đồ chay chủ yếu có rau, đậu phụ, nấm. Bữa sáng thường là bún, mì… các món có nước. Bữa trưa sẽ là 2 món xào có rau, đậu phụ, 1 món canh. Tớ rất thích vì có rất nhiều loại rau khác nhau mỗi ngày bạn phải ăn đến 10 loại rau củ quả, hoa quả khác nhau cũng nên. Cuộc sống công nghiệp ở ngoài điều này là không tưởng nên khi được ăn uống như vầy tớ thấy rất sướng. Người ta nấu ngon và vừa miệng, rau tớ ăn thấy như rau sạch, vị ngọt, thanh thuần khiết. Vài hôm còn có các món tráng miệng đi kèm như chè, tàu phớ… Nói chung mọi lo lắng trước kia của tớ về ăn uống hoàn toàn không còn, trái lại chỉ muốn đc ăn ở đây mãi mãi ^^
Q: 10 ngày quá dài, mình sợ không theo kịp?
A: Thật ra khi vào môi trường mới bạn sẽ học hỏi và thích nghi theo nó. Trước khi đi tớ cũng lo lắng mình sẽ không theo kịp, sẽ bỏ dỡ giữa chừng. Nhưng yên tâm là khi đến nơi bắt đầu quá trình tu tập cùng mọi người rồi, bạn sẽ tự đẩy bản thân mình để theo như các thiền sinh đồng khoá, và cũng vì được hưởng lợi lạc từ thiền Vipassana mà bạn sẽ cố gắng đi đến cuối khoá. Hãy cho bản thân một cơ hội được trải nghiệm nhé!
Q: Cần chuẩn bị những gì?
A: Hãy chuẩn bị như trước khi bạn đi du lịch xa, quần áo người ta khuyên nên mang đủ 10 bộ cho 10 ngày để hạn chế giặt giũ. Chọn quần áo ngồi thoải mái hành thiền như quần áo pajama, bộ đồ mặc ở nhà (không ai để ý đâu), áo, váy hoặc quần cotton co giãn. Nếu bạn có chăm sóc da thì chuẩn bị rút ngắn chu trình còn 3-4 bước là vừa vì hầu như rất bận ít có thời gian chăm sóc kĩ càng, vả lại thời gian này để tập trung toàn tâm toàn ý cho quá trình tu thiền việc này có thể không còn là quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu của bạn. Tớ vẫn mang theo 1 loại serum dưỡng da, dầu tẩy trang, SRM, và kem chống nắng và dầu squalane của HABA. Ngoài ra ở trên này không có gương nên bạn có thể mang theo gương nhé. Mang máy sấy tóc (nếu cần), lược, giấy vệ sinh, sữa tắm, dầu gội, dầu xả, một đôi dép đi trong nhà (slippers) hoặc tất, mang quạt hoặc các miếng chườm mát cho những hôm nóng trời.
Dù đã cố gắng viết bài này thật ngắn nhưng cuối cùng nó thành dài dằng dặc như vậy. Rất cảm ơn các bạn đã đọc đến dòng cuối này. Tớ mong rằng thông tin trên sẽ hữu ích cho các bạn! Tớ tự thấy bản thân mình rất may mắn vì đã có cơ hội được tham gia khoá thiền Vipassana này, đúng thực là nó giúp tớ nhìn rõ mọi thứ hơn cũng như cảm thấy vui vẻ, an lạc tự trong tâm hơn. Trong tương lai tớ hi vọng sẽ có cơ hội được quay lại tu tập thêm mấy khoá nữa, và đi phục vụ (làm ban tổ chức) hoặc đi phiên dịch cho các khoá thiền khác. Nếu các bạn có các câu hỏi cứ đặt ở phần comment nhé ^^
GG,
Rất cám ơn bạn về chia sẻ này nhé!
Cảm ơn bạn, hi vọng bài viết có ích cho bạn ^^
Bài hơi dài, em chỉ đọc từ phần ngày 0 đến cuối thôi nhg thấy hay quá chị ơi ^^ Bố em cũng xuất gia lên chùa đi tu nhg em chưa có cơ hội hỏi xem bố có thiền hok và lúc thiền nó như nào. Vì em hok tưởng tượng ra được lúc đó đầu óc sẽ phải trống rỗng hok nghĩ tới một điều ji hay ntn. Đọc bài của chị em thấy hiểu hơn. Chúc chị từ h trở đi luôn kiểm soát đc ham muốn và tâm ý để luôn an lạc nhé 😡
Ẹc, em dùng icon : x mà nó ra cái ji vậy trời…hihi
Vậy bố em giống 1 tăng ni mà chị gặp ở khoá thiền. Chị nghĩ nếu bố em xuất gia rồi thì chắc chắn sẽ tu thiền hàng ngày, ngày xưa chị cũng không hiểu lắm họ đi tu thì làm gì, giờ chị mới hiểu thiền chính là một cách mình gột rửa những tham hận sân si ngoài xã hội ^^. Đúng rồi ngày xưa chị cũng ko rõ thiền thì là ntn, giờ thì hiểu là ngồi quan sát hơi thở hoặc cảm giác trên thân thể mình. Hihi. Cảm ơn em nhé, chị phải cố gắng tu tập thật chăm chỉ để tâm đc bình yên và an lạc hơn mỗi ngày.
Cám ơn bạn nhiều lắm lắm.
Không có gì ạ, cảm ơn bạn đã ghé blog đọc bài ^^
em cảm ơn chị về bài viết dài nhưng rất bổ ích, em sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia <3. Chị vào lại Sài Gòn rồi ạ?
Chị vô lâu rồi Vi ơi! Nếu có thời gian em sắp xếp đi thử 1 khoá xem sao nhé, sẽ thấy rất có ích vì mình đc biết đến nó và thực hành nó từ sớm đấy 😉
Bài viết có ích lắm chị oi ^^
Chị cảm ơn Thi ❤
Em biết đến thiền cách đây 4 năm – là năm cuối đại học. Chị biết ko, lúc đó em bỏ 1 bài thi chiếm 20% điểm cả kỳ của môn đó với suy nghĩ rằng: “Học thì cũng học nhiều rồi, và có thể học cả đời. Nhưng những cơ hội như này thì chưa và ko phải lúc nào cũng có được” (đúng vậy, từ lúc đi làm, em nhớ lắm nhưng ko xin nghỉ để tham gia đc).
Giống chị, em cũng là đứa thích làm những điều khác lạ và thử thách (thậm chí trong những khóa ấy, em còn quyết định nhịn cả bữa tối… cũng là để thử thách bản thân hơn í mà 😀 ). Càng nghe ko đơn giản, ko phải ai cũng làm được, em càng muốn thử.
Biết đến Thiền là một nhân duyên cao đẹp và quan trọng nhất đời em mà em vô cùng biết ơn ai đó đã đưa em đến với. Nếu ko, em nghĩ em vẫn sẽ mãi là một đứa vô minh, mò mẫm trong bóng tối 🙂 Cơ duyên là: một ngày, em share trên facebook, em muốn tránh xa khỏi các món công nghệ 1 thời gian (digital detox). Thật may, bạn em đọc được và giới thiệu khóa đó. 2 đứa hẹn cùng đi, rốt cuộc chính nó lại vì sợ đủ chuyện mà thất hẹn: nào là đến tháng (cái này ko sao cả – chính sư cô trả lời thế), nào là ko dám bỏ bài thi kia và cả ba mẹ ko ủng hộ. Em rất buồn nhưng ngay từ đầu đã quyết tâm thì ko dễ gì vì ng khác mà bỏ cuộc. Thế là xách ba lô đi 1 mình.
Nghe chị tả em đoán Thầy ko phải là sư cô Hằng Liên, phải ko chị? Là trụ trì của chùa Hồng Trung Sơn (gần vườn quốc gia Nam Cát Tiên nè chị https://ngaygio.wordpress.com/2016/05/06/nho-lam-roi-day/
https://ngaygio.wordpress.com/2016/01/28/bo%CC%89-cong/). Kết thúc khóa đầu tiên, em đã xem nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình (thậm chí nhiều lúc nhớ da diết hơn cả nhà). Đi thiền lại ở trong khung cảnh lý tưởng ấy: trên núi, không khí trong lành, ăn uống thanh đạm, sạch sẽ,…, em cảm thấy mình khỏe, thần sắc tươi trẻ lắm. Em yêu nơi đó phần cũng vì thiên nhiên 🙂
Em đi 3 khóa liền (liên tiếp trong 1 năm) và quen được bao nhiêu bạn bè già, trẻ và thân nhau đến giờ (trong đó có 1 chị tuổi băm đang chồng con và công việc ổn định bỗng xuống tóc và đc chồng tiễn vô đấy làm đệ tử của sư cô). Trước đó, chị ấy thường tâm sự với em nhớ chùa và sư cô quá, em đã thấy nghi nghi. Bản thân em cũng rất nhớ nên hiểu đc quyết định này của chị. Nhưng em thì em sẽ ko đi tu đâu. Là ng bình thường, em có thể vào chùa tu; chứ đã đi tu thì ko ra làm việc của ng bình thường được. Hơn nữa, đi tu ko phải ai cũng có duyên 🙂
Đi sâu vào nội dung thực hành thì em cũng muốn chia sẻ vài trải nghiệm, ko biết chị có cũng giống em?:
– Khóa đầu tiên em thấy em đã ko quyết tâm, cố gắng hết sức nên hối tiếc lắm. Đó là em chưa quen với việc dậy sớm; đã thế lại còn mất ngủ nên vào thiền thường xuyên ngủ gục và cựa quậy. Trong khi ấn tượng đầu tiên luôn là quan trọng và hơn nữa, khi đó là đầu mình như cái ly rỗng, sẽ dễ tiếp thu, một cách trọn vẹn nhất.
– Em đi về xong, đọc và đọc rất nhiều, đọc muốn tẩu hỏa. Đến chị trên phải nhắc nhở: thiền là thực hành; đọc nhiều phản tác dụng. Và thời gian đầu về nhà, cũng chăm chỉ thực hành mỗi lần cả tiếng. Giờ thì… lâu lâu mới 15′ (vì cứ thấy thiếu thiếu thời gian, ko sắp xếp được) 😦
– Đi bao nhiêu khóa và đọc rất nhiều mà em vẫn còn lắm thắc mắc, cứ thấy thiền quả thực nghe đơn giản thì đơn giản đấy, nhưng cũng ko hề đơn giản chút nào. Và chị cũng có những thắc mắc này giống em ko?
https://ngaygio.wordpress.com/2013/11/11/nhung-thac-mac-thien-vinapassana-of-me/
P/S: Ko biết chị sao chứ em (khi đó, thiền vẫn còn mới mẻ ở VN) bị bạn bè coi em như đứa ở trển ấy; đến mức em chỉ tâm sự trên blog về thiền thôi, chứ ko mấy khi dám chia sẻ kể trên facebook. Trên blog của em có hẳn một categary cho Thiền với cả rừng post là chị biết em mê Thiền đến cỡ nào 😀
À, năm 2013 với 2016 là cách đây 3 năm, chứ ko phải 4, đúng ko chị 😀 ? Hic, nhắc đến tuổi tác, năm tháng em hay loạn @_@
Còn đây là những thắc mắc và chia sẻ của ng khác mà em góp nhặt, chị có thể tham khảo nhé: 🙂
https://ngaygio.wordpress.com/2016/03/07/thien-giu%CC%83a-doi-thuong/
Chào em, sorry em mấy hôm nay chị bận quá nên chưa đọc đc comment của em chi tiết và trả lời. Chị sẽ trả lời khi có thời gian nha 😉 Rất vui vì em đã dành thời gian chia sẻ với chị và các bạn.
Chị ko học ở trung tâm e bảo đâu, đây là thiền Vipassana đơn thuần không thuộc tông phái nào nên ko thiền ở chùa.
– Khoá đầu tiên đối với cá nhân chị chị nghĩ là thành công vì nó mở ra 1 chân trời, 1 tư duy, 1 lối sống mới của chị, dù chị cũng cảm thấy mình chưa hoàn toàn tập trung. Nhưng đối với chị như vậy là đủ rồi 🙂
– Chị cũng đang cố gắng mỗi ngày thiền 1 tiếng. Chị nghĩ vì tâm vô thức và lý trí của mình còn cách nhau khá xa nên chỉ có thực hành mới giúp mình hiểu và làm gần khoảng cách giữa tâm và lý trí.
– Còn thắc mắc của em chị thấy là ntn: em đang làm phức tạp vấn đề lên. Thiền chỉ đơn giản là thiền, là quan sát hơi thở, quan sát cảm giác trên cơ thể thôi. Tâm càng tĩnh càng giỏi quan sát chính những cảm giác đó trên cơ thể mình thì mình sẽ càng hiểu rõ hơn về mọi thứ. Muỗi cắn làm đau hay ngứa, tắc mũi làm mũi nghẹt thở – đó cũng chính là 1 cảm giác, mình quan sát nó cho đến khi cái cảm giác đó nó ko làm cho tâm mình dao động nữa, khi nó thành vô thường – thành ko hiện hữu nữa là ổn.
Cảm ơn chị đã rep 🙂
Em biết. Cái tên vipassana vốn dĩ là ko thuộc một tông phái nào. Và chính sư Thầy ở chùa đó dạy chúng em cũng nói vậy.
Đơn giản chỉ là một địa điểm thôi chị. Không phải dạy ở chùa thì nó thuộc Phật giáo. Có ng theo đạo thiên chúa vẫn đăng ký tham gia.
Chúc chị kiên trì thực hành được và update tụi em cảm nhận của chị hay kết quả nhé 🙂
Em để ý mình ngồi đúng tư thế (kiết già và nhất là lưng thật thẳng) thì khỏe và thoải mái lắm 🙂
Có lẽ chị nói đúng: em đang làm phức tạp vấn đề lên.
Em thích bài viết này quá, cảm ơn chị GG vì quá nhiều điều hay ho. Hồi em thi ĐH xong có tham gia khóa tu mùa hè (15 ngày), cũng thay đổi lắm lắm (đọc bài của chị lại nhớ chùa ghê). Mong là có cơ hội tham gia 1 khóa thiền này 🙂
Khóa thiền này dạy bằng tiếng Anh hả bạn? Nếu trình độ tiếng Anh không đủ thì có thể tham gia được không?
Khoá bằng tiếng Việt nha bạn 😉 Nói chuyện với thiền sư sẽ có phiên dịch nếu bạn ko nói đc tiếng Anh.
Reblogged this on .
Có lẽ tự xưng là Chú vì Chú đã trên 60t, Chú đã theo dõi và tìm hiểu về khóa Thiền Vipassana này hơn 2 tháng này, Rất cảm ơn GG đã có bài chia sẽ giúp Chú hiểu hơn về việc tu tập Thiền theo pp mới này… Hay thật là hay.. Bài viết của GG không dài nhưng đã nhấn mạnh và chỉ rõ những gì Chú đang thắc mắc.. Tuổi trẻ h tiến bộ qua Chú rất vui..Sẽ cố gắng sắp xếp đi học 1 khóa.. Chú cũng có mong muốn con gái Chú sẽ học 1 khóa, nó đang ở Mỹ..Cảm ơn GG thật nhiều
Chú muốn hỏi GG xem: GG nói cái cảm giác trên thân và mình là hai thực thể tách rời, vậy có phải là mình ddungf tự động hóa minh chính là những cảm giác ấy? Phai k ?
Chú ơi cháu không hiểu câu hỏi của chú lắm ạ. Thiền Vipassana tiếng Việt là thiền minh sát đó chú. Cháu vừa đi thêm 1 khoá thiền khác nữa về, cháu đã hiểu thêm 1 xíu nữa nữa là khi thiền đúng, dùng sự quan sát của mình để “thấy” những cảm giác trên cơ thể, thì tự nhiên những cảm giác khó chịu, ngứa ngáy hay đau đớn tự nó tan biến đi và chỉ còn vô thường, vô ngã thôi ạ.
Vì không viết được tiếng việt như mong muốn nên Con k hiểu câu hỏi của Chú là phải rồi… Nhưng đọc phần Con nói dung sự quan sát Chu hieu hon roi…Cam on Con nhieu!
Vì Chú đánh máy tiếng Việt không được như mong muốn nên khiến Con k hiểu câu hỏi của Chú..Nhưng giờ đọc tiếp reply của Con Chú hiểu hơn rồi…Cám ơn Con nhiều..Chúc mừng Con đã đi học thêm 1 khóa nữa…Hay quá! Chú cũng hân hạnh được làm quen với Con!
Chú muốn hỏi Con chương trình học 10 ngày đợt 2 có khác nhiều so đợt 1 k?
Dạ như nhau chú ạ 🙂 Các thiền sinh cũ và mới đều theo một lịch trình thiền như trên chú ạ.
Vang! Cam on Con!
Em chào Chị,
Bài viết hay và giúp ích nhiều quá Chị ơi. Trước, E cũng đã nghe qua về thiền Vipassana và cũng biết tới khóa học thiền 10 ngày luôn mà chưa có dịp tham gia, hay nói đúng hơn là chưa đủ mạnh mẽ để “cách ly với thế giới 10 ngày”.
Đọc xong bài của Chị E thấy thích quá, những chia sẻ chi tiết của Chị giúp e hiểu rõ hơn về phương pháp thiền này rất nhiều. Nghe Chị kể những kết quả, lợi ích có được từ việc tham gia khóa thiền làm E cũng muốn tham gia quá chừng.
Cảm ơn Chị nhiều thiệt nhiều vì đã chia sẻ kỹ càng như vậy.
Chúc Chị mọi điều àn lành 😀
Chào Huy 🙂 Cảm ơn comment của em, chị chúc em tu tập tinh tấn để đạt được nhiều lợi ích từ thiền nhé 😉 Có gì cần hỏi cứ nhắn c nha ^^
Dạ. E cảm ơn Chị trước nhannnn :D.
thật sự cám ơn bài chia sẻ của bạn, nó rất hay và mình đang cần./ và cũng xin được chúc mừng bạn vì lần đầu tiên đến với Thiền thì đã được hành Thiền Vipassana (Dòng Thiền có lẽ phù hợp nhất với thời @- thời kì mạt pháp). Hi vọng mình sẽ đủ duyên để tham gia khóa nội trú 10 ngày. Hãy biến nó thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của mình nha bạn.
Mình muốn đăng ký khoa thiền 10 ngày gần nhất trong tháng 4 nhưng xem thấy hết chỗ cho thiền sinh mới …bây giờ phải làm sao bạn nào giúp mình với .
Bạn tham khảo các khóa Thiền ở đây: https://www.phapdangthientue.com/lich-khoa-thien-va-dang-ky. Khoảng tháng 7-8 mới đăng ký được.
Cảm ơn tác giả về bài viết thật hay 🙂
Bạn ơi sao tớ vào trang trên không được. tớ cũng quan tâm đến khóa thiền này, không biết ngoài HN có không?
Chào bạn!
Mình có biết qua về khóa thiền này nhưng dường như hơi khó canh để ghi danh vì mình đã hụt một lần ngay trong ngày mở ghi danh khóa mới. Hi vọng may mắn hơn trong lần tiếp theo.
Rất cảm ơn bạn về những chia sẻ rất chi tiết trong bài viết này.
Đúng rồi bạn ạ, giờ khá nhiều người muốn tham gia nên khi nào khoá mở ghi danh thì bạn canh khoảng 12h sáng rồi đăng kí thì mới kịp đc nhé 😉 Chúc bạn sớm được tham gia khoá thiền nhé!
Chao Cac bån cho TOI hoi ngùoi Nuoc Ngoai cô dang ky dc ko thank you
Dạ đăng kí được anh ạ, đợt em tham gia cũng có 1 vài bạn người nước ngoài cùng tham gia ạ.
Cám ơn bạn. Rất hay! Tôi đã đăng ký thành công khóa thiền trong dịp tết này, lần đầu ăn tết xa nhà sau 35 năm.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Bạn có thể chỉ cho mình biết cách “quét thông suốt” của bạn trong vòng 20-30 phút không? Rất mong sự chia sẻ của bạn. Cảm ơn bạn nhiều. Mình đã tập thiền năng lượng lâu rồi, muốn tập Vipassana mà không nghỉ phép để đi 1 khóa được nên thèm đc như bạn quá. Quanhppc@gmail.com
Cái này thật ra tuỳ theo cảm nhận của mỗi người thôi bạn ạ, mình cũng không biết chỉ cách như thế nào, và không được phép. Bạn cố gắng thu xếp để tham gia thử một khoá Vipassana xem sao nhé 😉
Chào bạn, 1 tuần nữa là mình tgia khóa thiền nên research, tình cờ thấy những dòng bạn viết. Rất cám ơn bạn. Mình có vài thắc mắc, bạn giải đáp giùm mình nha. CÁM ƠN bạn nhiều lắm. 1/ 4:00 sáng là có người gọi hay mình phải đặt báo thức?
2/Phòng thiền chung có máy lạnh k ? Hay không gian có thoáng mát không bạn? Vì mình mặc đồ dài rộng cho thoải mái, mà lại sợ nóng/ ngộp
3/Có máy giặt để giặt đồ k bạn, có chỗ phơi đồ k ? Hay mình gom đồ dơ về nhà giặt luôn.
4/Mình phải tự đem xà bông tắm theo à?
Người trong ban tổ chức sẽ gõ kẻng để đánh thức mọi người dậy, tuy nhiên bạn có thể mang theo đồng hồ báo thức của riêng mình nếu cần.
Phòng thiền có máy lạnh, đôi khi hơi lạnh quá (tuỳ địa điểm ngồi trong phòng, nếu ngồi gần máy lạnh sẽ thấy lạnh).
Không có máy giặt, phải giặt bằng tay, có chỗ phơi đồ.
Đúng là bạn phải tự mang xà bông tắm theo.
Mình thấy là những câu bạn hỏi BTC đều gửi thư hướng dẫn rất chi tiết rồi, bạn đọc kĩ lại xem sao nhé.
Mình xin lỗi vì hỏi câu tế nhị này. Mình có vấn đề về đi vệ sinh, mình chỉ có thể đi vào buổi sáng, bạn cho mk hỏi trong chùa đi vệ sinh có dễ dàng k, có đủ tg để mk đi k, trong lúc thiền mk đau bụng thì có đc đi k, mk cảm ơn nhé!