#103 Face Oils A-Z

Dầu dưỡng da – nếu mấy năm trước cụm từ này còn rất xa lạ với chúng ta (hay có thể do tớ không để ý :D) thì những năm gần đây bỗng trở nên rất phổ biến, hãng nào cũng cố gắng ra một loại dầu dưỡng da với rất nhiều tác dụng nghe cực hấp dẫn từ dầu argan, dầu hạt tầm xuân, và mới đây là dầu marula v.v… Hà Nội vào đông rồi, da sẽ khô hơn và thiếu độ mượt mà, tìm được một loại dầu phù hợp để cho vào chu trình cũng là một bước nên có. Tớ quan điểm là da nào cũng có thể dùng dầu dưỡng da (kể cả da dầu), miễn là bạn tìm được loại phù hợp, bài viết này sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về dầu dưỡng da, cũng như giúp bạn tìm được loại phù hợp với da mình.

Cấu trúc da

Lớp trên cùng của da có tên gọi Epidermis (biểu bì), lớp này chỉ có độ dày khoảng 0.1mm, rất mỏng. Ngoài cùng của lớp epidermis/biểu bì chính là stratum corneum (tên khác horny layer) bao gồm tế bào chết (corneocytes với keratin) và lipids. Bạn tưởng tượng lớp này như một bức tường vậy:

skin_lipids

Bức tường này gồm các tế bào da như những viên gạch còn lipids đóng vai trò như vữa để lấp đầy khoảng cách giữa các viên gạch, tạo ra một bức tường vững chãi bảo vệ da bạn trước tác động môi trường bên ngoài, đồng thời ngăn cho lớp nước dưới da khỏi bốc hơi cũng như ngăn cho nước không ngấm vào da (nếu nước ngấm vào da liên tục không có giới hạn thì bạn sẽ ngay lập tức trở thành quả bóng nước mỗi lần đi tắm, đi bơi). Khi bạn dùng sữa rửa mặt (đặc biệt những loại có SLS), lớp lipids này bị tẩy rửa quá mức, da sẽ dễ bị khô căng, thiếu độ mềm mại, đàn hồi cũng như dễ bị ảnh hưởng bởi tác động môi trường (như tia UV, ô nhiễm, không khí bẩn), tưởng tượng như một bức tường bị mục rỗng vậy 🙂 Ngoài ra màng tế bào cũng chứa 50% lipids, vì thế lipids là một thành phần rất quan trọng đối với da.

Lipids trên da

Trên da có nhiều loại lipids khác nhau nhưng nhìn chung là có 2 loại chính sau (nguồn):

  1. Lipids tiết ra bởi tuyến bã nhờn (sebaceous lipids) gồm:
    Sapienic acid
    Wax esters
    Squalene
  2. Lipids biểu bì (epidermal/stratum corneum lipids) gồm:
    Ceramides
    Fatty Acids
    Cholesterol
Nguồn: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2835894/

→ Lipids gồm nhiều fatty acids/axit béo mà dầu có chứa nhiều axit béo → Sử dụng dầu dưỡng giúp bổ sung lớp lipid trên da.

Lớp lipids này liên tục bị mất đi trong quá trình rửa mặt, tẩy da chết, hay do tác động môi trường như tia UV, nắng nóng, nhiệt độ cao, không khí khô hanh, ô nhiễm môi trường v.v… Vì thế để “chăm sóc” lớp lipids này bạn có 3 cách:

  1. Sebum: da tự tiết ra một lượng lipid nhất định nhờ vào tuyến bã nhờn trên da, gồm các loại như sapienic acid, wax esters, squalene v.v…
  2. Chế độ ăn uống: với chế độ dinh dưỡng hợp lý hàng ngày bạn nên bổ sung các axit béo trong thức ăn hoặc uống bổ sung Omega-3/6
  3. Từ các sản phẩm chăm sóc da: sử dụng dầu dưỡng da hoặc các sản phẩm có nhiều thành phần dầu/emollients để giúp phục hồi và tái tạo lớp lipids trên da. Trên lý thuyết, việc sử dụng dầu dưỡng da hoặc các sản phẩm có chứa dầu đều tốt cho mọi loại da, tuy nhiên tìm một loại phù hợp với da bạn trên thực tế thì phải cân nhắc nhiều yếu tố.

Dầu dưỡng da

  1. Dầu dưỡng da nghĩa là các loại dầu được ép/chiết ra từ các cây gốc thực vật như dầu argan từ hạt argan, dầu hạnh nhân là từ hạt hạnh nhân v.v… Dầu dưỡng da không bao gồm các loại tinh dầu thơm (essential oils) vì cách chiết xuất khác nhau, thường các tinh dầu thơm này được chiết xuất bằng một loại dầu thực vật làm nền.
  2. Tác dụng: Vì dầu dưỡng da có kết cấu giống với lớp lipid trên da nên khả năng thẩm thấu sâu xuống dưới lớp biểu bì tốt hơn so với các sản phẩm nền nước. Tác dụng đầu tiên của dầu dưỡng da là giúp khôi phục lớp màng lipid để bảo vệ da dưới tác động môi trường. Khi bạn còn trẻ, lớp lipid trên da này có khả năng tự tái tạo và bảo vệ da rất tốt, tuy nhiên khi da càng già và lão hoá thì khả năng này kém hơn, vì thế việc khôi phục tấm màng này cũng có phần nào tác dụng chống lão hoá, nhất là với các loại dầu dưỡng da có chứa nhiều chất chống oxy hoá (antioxidant) hay kể cả thành phần vitamin A như beta-carotene hay vitamin E … Ngoài ra dầu dưỡng da còn có tác dụng dưỡng ẩm, làm việc như một chất emollient có thể làm da mềm, mịn hơn.
  3. Axit béo trong dầu gồm Omega 3 và Omega 6 trong đó
               Axit béo Omega-3 gồm:

    1. Alpha Linolenic Acid (ALA) – đây là axit béo cần thiết *cơ thể không tự tổng hợp được*
    2. Eicosapentaenoic Acid (EPA)
    3. Docosahexaenoic Acid (DHA)
      Axit béo Omega-6 gồm:
    1. Linoleic Acid (LA) – đây là axit béo cần thiết *cơ thể ko tự tổng hợp đc*
    2. Gamma Linolenic Acid (GLA)
    3. và 9 loại khác

    Cả Omega-3 và 6 đều có khả năng chống viêm. Ngoài ra trong dầu dưỡng còn có Oleic Acid (Omega-9), Palmitoleic Acid (Omega-7) và Punicic Acid (Omega-5)… đều có nhiều tác dụng khác nhau lên da.

  4. Chất lượng dầu: dầu có chất lượng cao thường được chiết xuất từ các loại quả, hạt cây có chất lượng cao và nguồn gốc rõ ràng, ví dụ hữu cơ (organic), non-GMO (không biến đổi gen), và phương pháp chiết xuất để các vitamins, chất chống oxy hoá, và các axit béo được bảo đảm nhất, ví dụ như dầu dừa bằng phương pháp đun nóng lên sẽ không tinh khiết bằng cách ép lạnh (cold-pressed).
  5. Cách sử dụng: Bạn có thể sử dụng dầu dưỡng da sau bước serum trước bước kem dưỡng hoặc coi nó thay cho bước kem dưỡng cũng được vì dầu dưỡng cũng có tác dụng như một chất occlusives. Ngoài ra bạn cũng có thể trộn dầu với kem dưỡng và apply chung 1 lần hoặc trộn với serum, foundation đều được hết. Ngoài ra nếu lúc nào đó hết đồ tẩy trang thì có thể dùng dầu thấm ra một miếng bông rồi dùng như một loại tẩy trang (lưu ý rửa lại bằng nước ấm cho sạch). Mỗi lần apply dầu dưỡng bạn chỉ cần 1-2-3 giọt thôi, less is more, không nên tham làm gì. Ngoài ra nếu da bạn thuộc loại da dầu, da dễ lên mụn thì không nhất thiết sử dụng hàng ngày mà chỉ cần 1 tuần 3-4 lần là được ^^
  6. Đối tượng sử dụng: trên lý thuyết thì bất kì ai, loại da nào cũng đều có thể sử dụng dầu dưỡng da, tuy nhiên bạn cần tìm được loại phù hợp với da mình. Ngoài ra dầu dưỡng da đặc biệt phù hợp với da khô, da lão hoá, da mụn (khi da bị khô do các sản phẩm trị mụn), da dầu (khi da bị tẩy rửa quá mạnh).

Cách chọn dầu dưỡng da

Xác định loại da: Trước tiên để lựa chọn được loại dầu dưỡng da phù hợp với da, bạn nên biết da mình thuộc loại nào. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các bài trắc nghiệm trên mạng để tìm ra loại da của mình, hoặc đến các cửa hàng mỹ phẩm có máy soi da, các trung tâm da liễu để được soi và tư vấn về da. Hoặc bạn tự quan sát da mình bằng cách tối hôm trước chỉ tẩy trang và rửa mặt sạch với một loại SRM cân bằng pH (khoảng 5.5), sau đó không apply bất kì một sản phẩm nào, sáng ngủ dậy bạn hãy áp một miếng giấy ăn mỏng lên mặt, nếu giấy ăn rơi xuống ngay -> da khô, nếu giấy ăn dính lại tầm vài giây mới rơi -> da thường, giấy ăn dính không rơi xuống -> da dầu. Hoặc tự quan sát da mình trong gương xem vùng da nào dầu, khô, hay không khô không dầu. Đây chỉ là 1 mẹo để kiểm tra loại da của mình thôi nhé.

Xác định loại dầu: Như tớ trình bày ở trên trong dầu có nhiều loại axit béo khác nhau, chúng ta sẽ dựa trên 2 loại axit béo là Linoleic Acid (LA) và Oleic Acid (OA) để lựa chọn loại dầu phù hợp với loại da của bạn.

  • Linoleic Acid (LA) – Omega 6: là một axit béo cần thiết cho da cũng như cơ thể người, giúp phục hồi lớp màng lipid bảo vệ da, có kết cấu lỏng, thẩm thấu nhanh, không gây nhờn bí da. Dầu có thành phần LA cao phù hợp da dầu, da dễ bị mụn hơn.
  • Oleic Acid (OA) Omega 9: giúp nuôi dưỡng, làm mềm da. Dầu có OA cao thường đặc, thẩm thấu chậm hơn nhưng sâu hơn vì thế phù hợp da khô, da lão hoá v.v..

Như vậy, để chọn được loại dầu dưỡng phù hợp với loại da của mình, các bạn nên chọn loại dầu chứa lượng LA và OA tương ứng. Ví dụ như tớ khi da khô sẽ ưu tiên chọn những loại dầu có OA cao để tăng tính dưỡng ẩm và tránh bong tróc cho da (ví dụ như dầu marula, dầu quả bơ v.v..), nhưng khi da tớ trở về da thường thì tớ sẽ nghiêng về các bạn dầu có lượng LA và OA cân bằng (ví dụ như dầu argan). Ngoài ra các bạn có da lão hoá có thể tham khảo những loại dầu có chứa nhiều tiền vitamin (provitamin A) như beta-carotene (hay có màu đỏ, cam ví dụ như dầu tầm xuân, dầu quả buriti, dầu hạt cà rốt v.v…) hoặc vitamin E (như dầu mầm lúa mạch…)

  • Một số loại dầu hợp da mụn, da dầu: dầu hạt nho, dầu mầm lúa mạch (wheat germ), dầu chanh leo (maracuja) v.v…
  • Một số loại dầu hợp da khô, da lão hoá: dầu marula, dầu quả bơ, dầu hạt cà rốt, dầu emu, dầu hạt hạnh nhân ngọt (sweet almond) v.v…
  • Một số loại dầu cân bằng LA và OA: dầu argan, dầu hạt baobab, dầu cám gạo, dầu mù u (tamanu) v.v…

Với các bạn da acnes-prone/dễ lên mụn nên lưu ý thêm chỉ số bít lỗ chân lông (comedogenic rating) của loại dầu đó nữa nhé. Chỉ nên dùng các loại dầu có chỉ số 0 (không gây bít lỗ chân lông) hoặc 1 (khả năng bít lỗ chân lông thấp). Tham khảo ở link này.

Dầu blend vs. dầu một thành phần: Những năm trước khi xu hướng dầu dưỡng da còn mới, các hãng chủ yếu cho ra các loại dầu ‘exotic’ nguyên chất có nguồn gốc từ các nước châu Phi – Mỹ La Tinh, những năm gần đây, xu hướng mới là dầu blend gồm hỗn hợp của nhiều loại dầu thực vật khác nhau, đặc biệt dầu blend có hoạt chất tan trong dầu (như trans-retinol ester trong dầu Sunday Riley Luna Sleeping Oil) dần trở nên phổ biến hơn. Với các loại dầu này các bạn cũng nên đọc thành phần để xem dầu nền là gì, lượng LA và OA ntn, liệu có hợp da mình không. Ngoài ra 1 số loại dầu có gồm một lượng nhỏ essential oils (tinh dầu thơm) các bạn có da nhạy cảm với tinh dầu thơm nên lưu ý nhé.

Một số loại dầu dưỡng da

Dưới đây là một số loại dầu dưỡng da tớ đã sử dụng hoặc có cơ hội thử qua:

 HABA Squalane Oil: đây là loại dầu dưỡng với thành phần squalane được chiết xuất từ gan cá mập – gần giống với thành phần squalene trên da người nhất. Haba Squalane giúp khôi phục lớp màng lipid trên da, phù hợp mọi loại da. Review chi tiết các bạn click link để đọc nhé ^^

pairosehip1

 Trilogy Rosehip OilPai Skincare Rosehip Oil: Trilogy là dầu dưỡng da có một thành phần duy nhất là dầu hạt tầm xuân trong khi thành phần của Pai có thêm dầu quả tầm xuân và một vài chất khác. Dầu tầm xuân có nhiều linolenic acid (LA) lên đến 44% nên phù hợp da dầu, da hỗn hợp, da thường, có khả năng làm mờ vết thâm, sẹo. Cả 2 tớ đã review chi tiết các bạn click link để đọc nhé ^^

tbs_vitamineoil

The Body Shop Overnight Serum-in-Oil *sản phẩm The Body Shop gửi tặng* Đây là một sản phẩm khá tốt của TBS, là loại dầu blend với nhiều thành phần có nguồn gốc thực vật như dầu mầm lúa mạch (rất giàu vitamin E, 55% linoleic acid, 14% oleic acid), dầu hạnh nhân, dầu jojoba… Ngoài ra thành phần cũng có bổ sung thêm Tocopherol (vitamin E). Tớ thấy bạn dầu này khá ẩm, mượt, nhưng lại nhẹ và ngấm khá nhanh (hơi ngạc nhiên). Da sau khi apply có bóng nhẹ (hết sau 15p), đủ ẩm, sờ rất thích. Dầu có hương hoa như mùi hoa nhài, khá thư giãn và dễ chịu, tuy nhiên bạn nào da nhạy cảm với thành phần hương liệu thì lưu ý. Vì chỉ số bí tắc lỗ chân lông của dầu mầm lúa mạch cao (=5, link) nên các bạn có da dễ lên mụn (acne-prone) không nên sử dụng nhé, sản phẩm này sẽ phù hợp các bạn da không có mụn, da lão hoá, da thường, da hỗn hợp, da dầu (không mụn) hơn!

marulaoil

Marula & Drunk Elephant Marula Oil: 2 bạn này đều có thành phần chủ yếu là dầu marula (oleic acid: 70-78%; linoleic acid: 4-7%) tuy nhiên bạn Drunk Elephant không gồm 1 số essential oils/tinh dầu thơm trong thành phần trong khi Marula có 1% hỗn hợp tinh dầu thơm. Tuỳ theo da bạn có nhạy cảm với tinh dầu thơm không để lựa chọn nhé. Về dầu marula thì vì có % oleic acid cao nên dầu khá ‘đặc’ và dày, phù hợp các bạn da khô, da bong tróc, da lão hoá. Sau khi apply thấy da rất mềm, hơi bóng.

argan oil

Josie Maran Argan Oil: dầu có 1 thành phần duy nhất là dầu argan hữu cơ (linoleic acid: 36.8%; oleic acid: 42.8%). Sự cân bằng giữa linoelic acid và oleic acid nên dầu argan phù hợp cho tất cả mọi loại da, loại này được Josie Maran quảng cáo là tăng độ ẩm (hydration) cho da. Sau khi apply lên da, tớ thấy dầu này mỏng hơn marula ở trên, nhưng không mỏng nhẹ ngấm nhanh như The Body Shop Overnight Serum-in-Oil. Cũng có thể dùng dầu argan để dưỡng tóc, phần cuticle (da) ở móng tay, móng chân v.v…

kiehls_oil

Kiehl’s Midnight Recovery Concentrate: hỗn hợp dầu blend gồm có dầu squalane, evening primrose, jojoba v.v…  Ngoài ra thành phần có chứa tinh dầu hoa oải hương nên mùi rất rõ, các bạn da nhạy cảm lưu ý.

lamer-renewaloil

La Mer The Renewal Oil: Cuối cùng thì La Mer cũng bước vào thị trường dầu dưỡng da bằng việc tung ra sản phẩm The Renewal Oil, tớ có một em sample 5ml rất xinh. Đây là loại dầu blend, là hỗn hợp nước ‘Miracle Broth’ – nổi tiếng của La Mer (hay có trong các sản phẩm của La Mer đặc biệt là thành phần Algae (Seaweed) Extract ) và các loại dầu (dầu nền là ‘meadowfoam’), vì thế trước khi dùng, bạn phải lắc lên để lớp dầu và nước quyện vào nhau, tạo ra những bong bóng nước và dầu. Khi xoa lên da tớ thấy gần như xoa nước vậy, mỏng, nhẹ, ngấm nhanh, sau khi ngấm hết da chỗ đó thấy đủ ẩm và mướt. Khá thích ạ! Cũng như sản phẩm kem dưỡng da nổi tiếng Creme de La Mer, bạn dầu này có mùi hương nồng nàn, tớ nghĩ càng dùng sẽ càng thích mùi này :)))

lunaoil_1

 Sunday Riley Luna Sleeping Night Oil: Đây là loại dầu dưỡng da thế hệ mới, thành phần có chứa trans-retinol ester (Hydroxypinacolone Retinoate/HPR) trong một hỗn hợp dầu blend. Có thể nói đến thời điểm này Sunday Riley’s Luna Sleeping Oil vẫn là loại dầu có tác dụng nhanh và hiệu quả nhất trên da tớ :))) <so với các loại dầu tớ đã thử qua>. Cũng phải thôi vì phần lớn các loại dầu trên không chứa hoạt chất như trong trường hợp của Luna. Nếu da bạn đã bước vào giai đoạn lão hoá, thì có thể thử Luna ^^ Review chi tiết các bạn có thể click link để đọc thêm.

Còn một số loại dầu nữa tớ cũng đã dùng/thử qua như Fresh Seaberry Moisturizing Oil, Sisley Black Rose Precious Face Oil, Bobbi Brown Extra Face Oil v.v… mà tớ đang vứt lọ ở đâu đó để bao giờ tìm lại được tớ sẽ update tiếp bài này ^^ Bạn đã/đang sử dụng loại dầu nào để dưỡng da, chia sẻ với tớ và các bạn nhé 😛

GG,

 

27 thoughts on “#103 Face Oils A-Z

  1. Dầu Luna chị tặng em trên da em cũng có tác dụng nhanh và rõ rệt lắm. <3. Cám ơn chị nhiều lắm
    Em trước giờ cũng thích bạn Rubik oil của A Abanker's Secret lắm. Hôm nào chị có dịp dùng thử xem ạ.

  2. Chị ơi em hỏi một câu không liên quan được không ạ? :(. Em dùng tdc hóa học tính tới nay là đã 2.5 tháng (với BHA 2%) và 1.5 tháng ( với AHA 10%). Em dùng xen kẽ, mỗi thứ ba lần/tuần. Tuy vậy, em không chút phản ứng phụ nào như đa phần người dùng kiểu châm chích, mẩn đỏ,…và đặc biệt là không hề bị khô da. Da em là hh thiên dầu nhưng tới mùa đông sẽ chuyển thành hh thiên khô. Cơ mà hiện tại với mùa đông Hà Nội thì da lại ngày càng trở nên “mỡ màng” ạ :o. Em chưa bao giờ thấy da vậy luôn. Da vẫn tiết dầu rất nhiều nhưng lại không giống kiểu da khô nên tiết dầu bởi đồ dưỡng của em đều thuộc dạng “light”, thấm nhanh, cấp nước tương đối, vả lại da vẫn ẩm mềm mịn. Thậm chí những hôm nào dùng AHA (dạng lotion sữa lỏng) thì em khỏi dùng thêm gì nữa luôn vì cảm thấy bị nhiều cho da (mặc dù layer thêm thì da cũng không phản ứng gì). Thực ra da em như vậy cũng là ổn, không hẳn…thành vấn đề cho lắm nhưng em bị băn khoăn chị ạ, không biết là do đâu í, chẳng lẽ do dùng treatments mà da chuyển hẳn thành da dầu? .__.

    1. Ko phải ai dùng TDC hoá học cũng bị những thứ như em nói nhé. Đó là phản ứng phụ mà, nếu trên da mình ko có phản ứng phụ thì càng tốt chứ sao.

      1. Dạ vâng, em cũng thấy may vì điều đó ạ. Em chỉ băn khoăn không hiểu sao da lại dầu hơn thôi ạ, em không biết liệu có phải da chuyển thành da dầu hẳn không…Em cảm ơn chị :”>

        1. AHA cũng đóng vai trò như 1 chất humectant (hút ẩm từ dưới da và không khí để cấp ẩm cho da). Có thể là em dùng hơi nhiều hơn bt hoặc loại đó quá ẩm với da em. Em đổi sang loại khác, chịu khó đọc thành phần để tìm đc loại phù hợp nhé.

  3. Tớ dùng oil cách đây 5 năm cho face rồi nhưng chỉ dùng 1 lần duy nhất do tớ đi spa nên mua, vì dùng oil không phổ biến nên tớ ít dùng. Có đợt dùng trilogy thì bị mụn nhiều hơn nên tớ không biết có nên thử Pai không. Hiên tớ đang dùng Huile de nuit Detox của Caudalie. Còn body thì tớ dùng oil mấy năm nay rồi, thích hơn dùng lotion. Chỉ khi nào da khô quá tớ mới dùng thêm lotion để cấp nước. Tớ còn dùng oil chống nắng cho body.

    1. Dạo nay tớ cũng mê mẩn body oil :)) nhưng loại dùng để tắm cơ nàng ạ 😛 Bôi oil dưỡng thể chắc cũng thích mà loại tớ muốn mua toàn out of stock (của Sunday Riley í T.T)

  4. em cứ tưởng sử dụng dầu là bước cuối cùng sau kem dưỡng, hôm nay đọc bài của c mới biết vậy là trước nay em dùng sai bước hết rồi. Cảm ơn chị vì bài viết rất hay và chi tiết :)))))))))

  5. chị ơi, vậy chị dùng dầu khô của nuxe chưa ạ, em xem review và dùng thử chai mini thì thấy thấm nhanh, thơm, dưỡng ẩm tốt. Em ko biết nên gắn bó với em nó ko hay nên thử một loại oil khác bổ dưỡng hơn cho da ạ 😛

  6. Chị ơi dầu hạt nho hợp với da dễ nổi mụn nhưng đường link chị dẫn về comedogenic rating dầu nho lại ở mức 2. Vậy sử dụng có ổn không nhỉ

  7. Hi chị
    E đang tìm hiểu về chuyện da dầu có nên dùng bổ sung dầu vào các bước dưỡng hay không thì đọc được bài của chị. Cám ơn chị về những chia sẻ cực bổ ích 🙂
    Sau 1 hồi tìm đọc, e đang ưng lắm lắm sp tinh dầu hoa trà của Nhật, nhưng do sp toàn tiếng Nhật, nên e đang lăn tăn k biết có nên dùng thử hay không.
    Da e sau 1 thời gian mụn kinh khủng (do dùng dầu dừa sai cách làm bít lỗ chân lông ) thì h nó đã ổn, chỉ còn lại 1 ít vết thâm và sẹo mụn. Da dầu nên lỗ chân lông khá to.
    Nghe 1 số bài review về sp thấy nó có cả công dụng liền sẹo và trị thâm nên càng muốn thử.
    Chị có thể tư vấn và chỉ cho e cách dùng của dầu được không a?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.